Java Core – Bài 1: Tổng quan về ngôn ngữ lập trình Java

Đây là bài viết thứ 1 trong loạt bài Học lập trình Java cơ bản (Hiện tại loạt bài này có 2 bài viết)
Java Core - Bài 1: Tổng quan về ngôn ngữ lập trình Java

Java là gì?

Java (đọc như “Gia-va”) là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng (OOP) và dựa trên các lớp (class). Khác với phần lớn ngôn ngữ lập trình thông thường, thay vì biên dịch mã nguồn thành mã máy hoặc thông dịch mã nguồn khi chạy, Java được thiết kế để biên dịch mã nguồn thành bytecode, bytecode sau đó sẽ được môi trường thực thi (runtime environment) chạy.

Java ra đời như thế nào?

Java được khởi đầu bởi James Gosling và bạn đồng nghiệp ở Sun Microsystems năm 1991 (sau này Oracle đã mua lại Sun Microsystems năm 2010). Ban đầu ngôn ngữ này được gọi là Oak (có nghĩa là cây sồi; do bên ngoài cơ quan của ông Gosling có trồng nhiều loại cây này), và được đổi tên thành Java vào năm 1995.

Các phiên bản Java đã phát hành

JDK 1.0 (phát hành 23/01/1996) – JDK 1.1 (19/02/1997)

  • JDK 1.1.5 (Pumpkin): 03/12/1997
  • JDK 1.1.6 (Abigail): 24/04/1998
  • JDK 1.1.7 (Brutus): 28/09/1998
  • JDK 1.1.8 (Chelsea): 08/04/1999

J2SE 1.2 (Playground): 08/12/1998

  • J2SE 1.2.1 (không có tên, chắc là tên trước đó): 30/03/1999
  • J2SE 1.2.2 (Cricket): 08/07/1999

J2SE 1.3 (Kestrel): 08/05/2000

  • J2SE 1.3.1 (Ladybird): 17/05/2001

J2SE 1.4 (Merlin): 06/02/2002

  • J2SE 1.4.1 (Hopper): 16/09/2002
  • J2SE 1.4.2 (Mantis): 26/06/2003

J2SE 5 (1.5.0) (Tiger): 30/09/2004 – Java SE 6 (Mustang), được công bố ngày 11/12/2006. Các bản cập nhật 2 và 3 được đưa ra vào năm 2007, bản cập nhật 4 được đưa ra tháng 01/2008. – JDK 6.18 (phát hành 2010) – Java SE 7 (còn gọi là Dolphin), được bắt đầu từ 08/2006 và công bố 28/07/2011. – JDK 8 (phát hành 18/03/2014) Phiên bản dự kiến tiếp theo là Java 9 (Nguồn chính chủ từ wikepedia các bạn nhé)

Các đặc điểm chính của Java

Như đã giới thiệu, Javangôn ngữ lập trình hướng đối tượng, do đó khi lập trình với ngôn ngữ này bạn sẽ phải làm việc với các lớp (class). Cú pháp của Java được vay mượn nhiều từ C/C++ nhưng lại có đặc tính hướng đối tượng đơn giản hơn và ít tính năng xử lý cấp thấp hơn nên việc tiếp cận Java sẽ dễ dàng hơn C/C++. Java được tạo ra với tiêu chí “Write Once, Run Anywhere” (viết một lần, chạy mọi nơi). Nghĩa là các chương trình được viết bằng ngôn ngữ lập trình Java chỉ cần viết một lần và chạy được trên mọi nền tảng (platform) khác nhau. Để làm được điều này, Java đưa ra khái niệm máy ảo JVM (Java Virtual Machine). Khi bạn biên dịch một chương trình, thay vì mã nguồn sẽ được dịch trực tiếp sang mã máy như nhiều ngôn ngữ khác, thì với Java mã nguồn sẽ được dịch thành mã bytecode. Sau đó, máy ảo JVM đã được cài đặt trên các thiết bị sẽ dịch tiếp mã bytecode sang mã máy để máy tính có thể hiểu và chạy được. Quá trình biên dịch và chạy chương trình được mô tả ngắn gọn bằng sơ đồ bên dưới.

Java Core - Bài 1: Tổng quan về ngôn ngữ lập trình Java

Java là ngôn ngữ mạnh mẽ

Đây là đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ lập trình Java. Tính mạnh mẽ của nó phải kể đến đầu tiên là việc cung cấp hàng tá hàm, phương thức dùng sẵn (API function) rất phong phú. Java có bộ dọn rác (Garbage Collection) siêu việt giúp tự động dọn dẹp các đối tượng đã qua sử dụng để giải phóng bộ nhớ, mà với các ngôn ngữ khác, lập trình viên phải thực hiện việc giải phóng này một cách thủ cộng. Java cũng hỗ trợ đa nhiệm (Multithread) cực tốt. Và còn nhiều thứ khác nữa đang chờ chúng ta khám phá trong các bài viết tiếp theo.

Môi trường & công cụ phát triển phần mềm

Để bắt đầu nhập môn lập trình Java Core, bạn cần phải chuẩn bị môi trường và một số công cụ lập trình được giới thiệu bên dưới.

1. Hệ điều hành

Java hỗ trợ đa nền tảng nên dù bạn đang dùng Windows, Mac hay Linux thì đều được cung cấp trọn bộ công cụ để bạn lập trình trên đó.

2. Java Development Kit (JDK)

Đây là bộ công cụ gồm môi trường lập trình, phát triển ứng dụng bằng ngôn ngữ Java, có cả bộ biên dịch, thực thi chương trình. Bạn có thể cài đặt theo hướng dẫn tại mục Cài đặt môi trường lập trình Java – JDK (Java Development Kit) trong bài viết Cài đặt môi trường JDK (Java Development Kit) và các công cụ để lập trình web với Java mà mình đã viết trước đó. Hoặc có thể xem qua video hướng dẫn cài đặt bên dưới.

3. Công cụ lập trình (IDE)

Để lập trình Java, bạn có thể sử dụng bất kỳ công cụ hỗ trợ text chẳng hạn như Notepad, Notepad++,…Tuy nhiên, viết code xong là một vấn đề, biên dịch là vấn đề lớn hơn và sửa lỗi, tìm lỗi là vấn đề nhức nhối. Thế nên, bạn cần sử dụng những IDE hiện đại hỗ trợ riêng cho việc lập trình Java như Netbean, Eclipse,… Netbean

Java Core - Bài 1: Tổng quan về ngôn ngữ lập trình Java

Netbean là một IDE mã nguồn mở, miễn phí, mạnh mẽ. Bạn có thể download về tại địa chỉ https://netbeans.org/Eclipse

Java Core - Bài 1: Tổng quan về ngôn ngữ lập trình Java

Eclipse cũng là một IDE mã nguồn mở, phổ biến và mạnh mẽ không kém Netbean. Eclipse được rất nhiều lập trình viên, công ty phần mềm sử dụng nên mình khuyên các bạn cũng dùng Eclipse đi nhé. Chi tiết download và cài đặt bạn xem video này nhé. (Link download: http://www.eclipse.org/downloads/)

Như vậy bạn vừa làm quen với ngôn ngữ lập trình Java, nắm được các đặc điểm chính của nó. Đồng thời cũng đã cài đặt xong môi trường và các công cụ để lập trình. Vậy bài sau chúng ta sẽ bắt đầu lập trình Java luôn nhé, cụ thể các bạn sẽ được hướng dẫn cách tạo project Java và làm quen với Eclipse. Thẳng tiến nào!

0 0 votes
Đánh giá bài viết
Xem tiếp trong loạt bàiBài tiếp theo: Java Core – Bài 2: Tạo project mới và làm quen với Eclipse
Nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận