Chào các bạn, để nhập môn Java nói chung, công nghệ web của Java nói riêng thì bước đầu tiên chúng ta cần làm là phải cài đặt cho bằng được môi trường, công cụ lập trình.
Ngày xưa, khi còn nhỏ ông bà thường nhắc “Học ăn, học nói, học gói, học thắt”. Nhắc đi nhắc lại luôn các bạn nhỉ. Ủa mà hình như có cái gì đó sai sai, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” mới đúng chứ 😀
Ờ thì thắt mở gì cũng được, muốn thành một đấng nam nhi, nữ nhi đầu đội mũ chân dậm đất như bây giờ thì ăn phải biết, nói cũng phải biết luôn, mà phải giỏi là đằng khác. (còn gói với mở thì bẩm sinh rồi nhỉ, ai dâng tận miệng để được ăn đâu nên phải gói, mở mới ăn được thôi 😀 ). Muốn học được Java, thành thạo Java, trở thành một bậc lão làng Java Web thì cài cho được cái môi trường, biết sử dụng mấy công cụ lập trình cái đã. Chứ mang danh kiểu như: hồi xưa nó, nó đấy, pro java lắm, web nó viết siêu luôn mà giờ bảo cài môi trường, thiết lập môi trường giúp cho đứa em mà không biết là hỏng cả một tiếng đời 😀
Nói đùa vậy chứ có ai pro rồi mà không biết cài đặt mấy thứ đó đâu 😀
Bởi vậy các bậc tu sĩ muốn để lại tiếng thơm thì mấy công việc nhỏ nhẹ tựa lông hồng này phải biết nhá.
Cài đặt môi trường lập trình Java – JDK (Java Development Kit)
JDK là cái quái gì? Các bạn đã tìm được đến đây để đọc bài viết này thì JDK là gì chắc chắn phải biết rồi nhỉ. Đơn giản là môi trường lập trình, phát triển ứng dụng bằng ngôn ngữ Java, không ăn được, không màu mùi vị gì cả.
Nó là anh em cùng cha khác ông nội của JRE (Java Runtime Environment). Cái này là môi trường chạy (thực thi) các chương trình viết bằng ngôn ngữ Java. Nói đùa là vậy chứ JDK phải xem là mẹ của JRE luôn đó chứ, bởi nó ôm cả JRE luôn trong đó, và còn kèm theo các trình biên dịch, thông dịch nữa.
Muốn lập trình thì phải dùng JDK chứ JRE thì bó tay nhé các bô lão. Bác nào cài JRE xong mà lập trình được Java em sẽ quỳ xuống vái vài cái rồi nhận làm sư tử luôn, á lộn sư tổ.
Bạn nào cài rồi thì thôi nhé, khỏi cần click, đỡ tốn tiền mạng, để dành xem phim nha 😀
Còn chưa biết cài thì bonus thêm video hướng dẫn cho các bạn 🙂
Chuẩn bị Eclipse IDE for Java EE Developers
Eclipse là gì? Theo wikipedia thì nó là “Tiểu thuyết Nhật thực (tên gốc tiếng Anh: Eclipse), tập thứ ba trong bộ truyện Chạng vạng của Stephenie Meyer.” (https://vi.wikipedia.org/wiki/Eclipse)
Ô may chuối, bạn muốn nói đến Eclipse IDE? Thế thì nó đây https://en.wikipedia.org/wiki/Eclipse_(software), nó là một ứng dụng IDE hỗ trợ việc lập trình cho các lập trình viên. Hiện tại đang hỗ trợ rất nhiều ngôn ngữ trong đó có Java.
Eclipse IDE for Java có 2 phiên bản: Phiên bản dành riêng cho Java SE (Eclipse IDE for Java EE Developers) và phiên bản dành cho Java EE (Eclipse IDE for Java EE Developers, bản này chạy được Java SE lẫn EE nhé). Tuy nhiên, bạn là người hay lập trình cả Java SE và Java EE thì mình khuyên cứ tải cả 2 bản về dùng (chỉ thêm gần 200MB thôi), bản nào chuyên cho việc đấy đỡ phải kiện lẫn nhau.
Tại link trên bạn có thể download phiên bản Eclipse Installer hoặc phiên bản người ta đóng zip để dùng luôn. Và nhớ là Eclipse IDE for Java EE Developers nhé (đang hướng dẫn cài đặt công cụ lập trình web mà 😀 )
Cài đặt server chạy web java: Apache Tomcat
Apache Tomcat là một server dùng để chạy web trong java, nó cực kì phổ biến và rất được giới java dev tin dùng. Bạn có thể xem qua bài hướng dẫn cài đặt và cấu hình server Apache Tomcat trên Eclipse
Tạo java web project demo
Mình cũng đã viết một bài hướng dẫn tạo Java web project (Dynamic web project) trong Eclipse IDE. Bạn tham khảo rồi tạo một project như hình dưới nhé
Cấu trúc của một project web java gồm:
- src – nằm trong Java Resources: chứa các mã nguồn Java
- WebContent: chứa các tài nguyên khác của ứng dụng web như các file html, jsp, css, js, hình ảnh,…
- WEB-INF – nằm trong WebContent: chứa file web.xml (file config quan trọng cho một dự án java web) và thư mục lib (đây là thư mục chứa các thư viện java .jar cần dùng cho dự án).
Công cụ quản lý database
Hiện tại có rất nhiều hệ quản trị csdl và hàng loạt các công cụ quản lý database trên internet. Phổ biến nhất được biết đến như hệ quản trị csdl SQL Server, Oracle, MySQL Server (dùng workbench để quản lý database), PostgreSQL (dùng pgAdmin để quản lý database),…
Tuy nhiên, trong những bài viết mà mình hướng dẫn, để đảm bảo tính nhanh gọn lẹ, cộng với linh hoạt, dễ xài. Mình sẽ sử dụng MySQL và dùng phpMyAdmin để quản lý database.
Các bạn setup các chương trình như Xampp, Wampp hoặc VertrigoServ,…để cài đặt MySQL, phpMyAdmin sẵn cho tiện nhé. Mình vote một vé cho Xampp vì tính ổn định của nó (khuyên bạn nên dùng ngay và luôn)
[alert-success]Link download Xampp: https://www.apachefriends.org/index.html[/alert-success]Xong! Vậy là từ giờ có thể lao đầu vào code web java được rồi nhé các bạn 😀